Chắc hẳn khá nhiều người bắt gặp thuật ngữ Brix khi cầm các sản phẩm đồ uống có đường, trái cây hay rượu vang trong phần thông tin sản phẩm. Đây là một thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong ngành thực phẩm. Vậy độ Brix là gì? Nó dùng để phản ánh điều gì? Tất cả những thắc mắc liên quan đến độ Brix sẽ được Hapoin giải đáp trong bài viết dưới đây.
Độ Brix là gì?
Độ Brix có ký hiệu là ºBx, có thể viết tắt là Bx, thuật ngữ này bắt nguồn từ tên gọi của nhà phát minh – nhà toán học người Đức Adolf Ferdinand Brix thế kỷ 19. Đây là thước đo phổ biến để đo chất rắn hòa tan. Nó được dùng để thể hiện nồng độ % trọng lượng chất rắn hòa tan hay mật độ đường có trong dung dịch. Với mỗi 1 độ Brix tương đương với nồng độ chất rắn hòa tan là 1% ở nhiệt độ 20 độ C. Một dung dịch có độ Brix là 10% tức là cứ 100g dung dịch sẽ chứa 90 nước và 10g chất rắn hòa tan.
Độ Brix bao gồm acid, đường và các loại chất khác nên Bx chính là độ đường Brix được viết ngắn gọn. Những loại trái cây hay dung dịch có vị ngọt như nho, nhãn, vải, mật ong,… độ Brix sẽ bằng tổng chất rắn hòa tan. Độ Brix được dùng để đánh giá loại hoa quả chua hay ngọt và dùng để kiểm soát lượng đường trong ngành sản xuất thực phẩm:
- Sản xuất bia
- Làm rượu vang
- Chế biến nước trái cây, mật ong
- Sản xuất đường tinh luyện
- Chế biến sữa
- …
Độ Brix – Độ Bx – Bx có phải là độ đường không (Ảnh: Internet)
Vai trò của độ Brix là gì?
Có thể hiểu đơn giản, độ Brix chính là độ đường hay độ ngọt trong rau, củ, quả và cây trồng. Đường là dung dịch chủ yếu có trong các dung dịch từ thực vật, chính vì thế mà việc giám sát, kiểm tra chính xác độ Brix là việc quan trọng. Điều này sẽ đem đến các tác dụng sau:
- Thông qua độ Brix có thể đánh giá được độ ngọt của thực phẩm, nhờ đó có thể điều chỉnh về đúng mức tiêu chuẩn cho phép.
- Dựa vào Bx, có thể tính được chỉ số đường (tỷ lệ % Brix/axit), đây là một chỉ số chất lượng sau khi thu hoạch nông sản.
- Trong chế biến hoa quả, độ Brix dùng để đánh giá độ ngọt. Khi giá trị Brix càng cao chứng tỏ thì càng có nhiều trái cây nguyên chất.
- Brix giúp đánh giá được năng suất lên men của thực phẩm. Đặc biệt, trong sản xuất rượu vang, nồng độ cồn của rượu vang cuối cùng sẽ được ước tính bằng khoảng 0,55 lần giá trị Brix của nước ép ban đầu.
- Trong sản xuất bia, độ Brix được dùng như một thông số chất lượng, là công thức để lên men và sản xuất thành bia. Nó cũng có thể được dùng như một chỉ số lên men cùng thử nghiệm rượu. Khi quá trình lên men tiến triển thì men sẽ tiêu thụ đường và giá trị Brix giảm đi.
- Giá trị Brix có thể được sử dụng như một chỉ báo điểm kết thúc bốc hơi.
- Mỗi loại sản phẩm sẽ có độ Brix quy định riêng, trong quá trình sản xuất cần phải kiểm tra chính xác độ ngọt và điều chỉnh cho hợp lý.
- Ngoài ra, độ Brix còn giúp xác định và lập kế hoạch thực hành quản lý đất trong trồng trọt. Nó giúp người làm vườn xác định được khi nào cần tăng tỷ lệ chất hữu cơ và chất dinh dưỡng của đất.
Độ Brix được dùng để đánh giá độ ngọt của thực phẩm (Ảnh: Internet)
Cách đo độ Brix
Vậy cách để kiểm tra được nồng độ Brix là gì? Để đo độ Brix sẽ cần áp dụng hiện tượng vật lý là hiện tượng khúc xạ ánh sáng.
Hiện tượng khúc xạ là hiện tượng ánh sáng truyền từ môi trường trong suốt này sang môi trường trong suốt khác bị gãy khúc tại mặt phân cách giữa hai môi trường. Mỗi loại dung dịch sẽ bẻ gãy tia sáng thành “góc khúc xạ” khác nhau. Góc khúc xạ càng lớn thì mật độ chất rắn hòa tan càng lớn và độ Brix càng cao.
Công thức tính chỉ số khúc xạ:
Chỉ số khúc xạ = Tốc độ ánh sáng trong chân không/Tốc độ ánh sáng xuyên qua chất
Trong đó, chỉ số khúc xạ của chân không có giá trị bằng 1.
Máy đo độ Brix
Khi hiểu được độ Brix là gì chắc hẳn bạn sẽ tò mò thiết bị dùng để đo được Brix đúng không. Trên thị trường hiện nay có khá nhiều máy đo độ Brix để phù hợp với các loại dung dịch khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất là khúc xạ kế đo độ ngọt.
Khúc xạ kế quang học
Các bước dùng khúc xạ kế quang học để đo độ Brix:
- Bước 1: Mở tấm chắn sáng, lau lăng kính để đảm bảo vị trí nhận mẫu sạch sẽ, không có bụi bẩn. Sau đó, dùng thiết bị thổi bụi để đảm bảo được chất lượng sử dụng.
- Bước 2: Kiểm tra vạch 0 trên thiết bị bằng nước cất. Nếu kết quả cho ra mức 0 thì duyệt, nếu khác 0 thì cần dùng vít điều chỉnh để đưa về mức 0.
- Bước 3: Tiến hành nhỏ mẫu dung dịch lên phần lăng kính của khúc xạ kế và theo dõi kết quả qua thị kính, sau đó ghi lại độ Brix.
Chú ý: Mẫu cần phải phan bố đều trên mặt kính và đảm bảo khối lượng cho phù hợp để việc đọc và theo dõi đọ ngọt chủ động và thuận lợi.
Khúc xạ kế điện tử là thiết bị được dùng phổ biến để đo độ Brix (Ảnh: Internet)
Khúc xạ kế điện tử
Thiết bị đo độ Brix này có thiết kế nhỏ gọn, cho ra kết quả nhanh chóng với màn hình kỹ thuật số. Đây là thiết bị được nhiều người lựa chọn sử dụng với cách đo như sau:
- Bước 1: Khởi động nguồn của thiết bị, màn hình hiển thị độ Brix là 0
- Bước 2: Vệ sinh sạch sẽ chỗ lấy mẫu rồi nhỏ mẫu vào, cần đảm bảo dung dịch sạch và không bị nhiễm tạp chất.
- Bước 3: Ấn nút và đợi kết quả trên màn hình.
Đây là phương pháp đo cực kỳ nhanh chóng và tiện lợi so với khúc xạ kế quang học.
>>> Có thể bạn quan tâm: Kính hiển vi quang học là gì?
Kết luận
Trên đây là những thông tin về độ Brix là gì, hy vọng bạn đọc đã nắm được và có thể ứng dụng nó vào thực tiễn tốt. Việc kiểm tra và đánh giá độ Brix sẽ giúp nhà sản xuất kiểm soát chặt chẽ được hàm lượng độ ngọt trong các sản phẩm thực phẩm, đồ uống khi đưa ra ngoài thị trường.
Jasmine Wu – Hapoin